Mô tả công việc
Câu hỏi phỏng vấn của Huawei: Một con trâu nặng 800 kg và một cây cầu có trọng tải 700 kg, làm thế nào để con trâu qua cầu.
Đáp án sẽ khiến bạn ngỡ ngàng tới "bật ngửa".
Trước đó không lâu, một câu hỏi phỏng vấn kỳ lạ của Huawei đã được lan truyền trên Internet. Theo thông tin trên mạng, một ứng viên nọ đã đến Huawei để phỏng vấn, nhưng người phỏng vấn lại không hỏi những câu hỏi có vẻ "cao siêu", mà thay vào đó, lại hỏi một câu rằng: một con trâu nặng 800 kg, làm thế nào để qua một cây cầu gỗ có trọng tải 700 kg? Câu hỏi này có vẻ liên quan đến vật lý nhiều hơn. Do danh tiếng của Huawei, tin tức này nhanh chóng thu hút sự chú ý của cư dân mạng và đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra.
Có cư dân mạng nói: Rất đơn giản, giết con trâu rồi chia thành nhiều phần và vận chuyển qua cầu.
Một ý kiến khác nói rằng: không cần tốn sức như vậy, trâu thuộc vào nhóm động vật biết bơi, thả con trâu xuống nước, người trên cầu cầm dây thừng kéo con trâu qua sông, vậy là được.
Có người lại nói: Buộc bóng bay hydro vào người con trâu để giảm trọng lượng của nó, như vậy có thể qua cầu dễ dàng.
Còn có người đùa rằng: bảo trâu đi làm việc 996 cật lực, không tới 2 tháng, nó sẽ chỉ còn 250kg, vậy không phải là dễ qua cầu rồi ư.
(Văn hóa làm việc 996 là một lịch trình làm việc được thực hiện bởi một số công ty ở Trung Quốc. Tên của nó bắt nguồn từ yêu cầu rằng nhân viên phải làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần.)
Trong tất cả những đáp án của đề bài này, có một đáp án tới từ một ứng viên khá có kinh nghiệm, ứng viên này đưa ra câu trả lời đứng từ góc độ thương mại và nhận được nhiều lời tán thưởng.
Anh cho rằng: trâu qua cầu, thực ra là vấn đề về mô hình kinh doanh. Trâu đại diện cho sản phẩm, trọng lượng chính là giá cả sản phẩm. Cầu chính là kênh lưu thông. Trong kinh tế thực tiễn, trọng lượng của trâu vượt quá khả năng tải của cây cầu, đây rõ ràng là giá cả sản phẩm cao hơn so với sức chịu đựng của kênh lưu thông trên thị trường. Muốn giải quyết vấn đề này, có thể làm theo các phương pháp như dưới đây.
Phương pháp thứ nhất: giải quyết khâu lưu thông hàng hóa. Cũng có nghĩa là trước khi cho con trâu qua cầu, hãy bỏ tiền ra để gia cố lại cây cầu trước. Làm vậy, vừa có thể tăng số lượng trâu qua được cầu, cũng có nghĩa là gia tăng lượng hàng hóa sẽ được lưu thông trên thị trường, từ đó thu lại lợi ích. Đợi tới khi hàng hóa lưu thông đạt tới một mức độ nhất định, số tiền bỏ ra gia cố lại cầu cũng sẽ được bù lại.
Phương pháp thứ hai: doanh nghiệp có thể khống chế giá thành sản phẩm, tức là dùng dao loại bỏ một số phần trên cơ thể con trâu, làm vậy đồng nghĩa với việc hạ thấp giá thành sản phẩm để có thể lưu thông dễ hơn. Vấn đề lưu thông như vậy sẽ được giải quyết ổn thỏa, nhưng cái giá phải trả ở đây tất nhiên là thu lại được ít lợi nhuận hơn.
Phương pháp thứ ba: tăng thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, cũng giống như đáp án của một cư dân mạng nói là buộc thêm vào người con trâu bóng bay hydro. Đứng ở góc độ thương nghiệp thì là nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, tăng khả năng phần bù rủi ro.
Đứng từ góc độ doanh nghiệp, ứng viên này đã đưa ra câu trả lời khá thuyết phục. Có thể thấy, những câu hỏi tuyển dụng của các doanh nghiệp, trông thì có vẻ như chẳng liên quan gì cho lắm, nhưng thực tế lại ẩn chứa đạo lý kinh doanh rất sâu sắc.
Tư duy của một người thường quyết định hành vi của họ. Kiểu câu hỏi nghe có vẻ không liên quan này thực tế là để khảo nghiệm năng lực tư duy của ứng viên.
Ở nơi làm việc, đặc biệt là trong các tập đoàn nổi tiếng, năng lực giải quyết vấn đề là tố chất vô cùng cần thiết. Vấn đề trâu qua cầu này, nếu phân tích một cách cẩn thận thì sẽ có rất nhiều phương pháp để giải quyết. Thông qua những câu hỏi như này, người phỏng vấn có thể xem xét một cách toàn diện xem liệu cách giải quyết vấn đề của ứng viên có phù hợp hay không, khả năng của họ có nổi trội hay không. Một vấn đề tưởng chừng như vô lý lại chứa đựng vô số lời giải. Chỉ những người có thể đưa ra nhiều giải pháp cho một vấn đề mới có khả năng tồn tại ở những nơi làm việc cao cấp và giành được sự ưu ái của các công ty lớn.
Thử nghĩ mà xem, khi người phỏng vấn ném cho bạn một câu hỏi vớ vẩn, bạn không thể suy nghĩ trong vài ngày rồi quay lại, hoặc thậm chí nghĩ tận mười phút rồi đưa ra câu trả lời. Trong cuộc phỏng vấn này, câu trả lời phải được đưa ra ngay tại chỗ. Đây là một bài kiểm tra tuyệt vời về khả năng thích ứng tại chỗ của các ứng viên. Trên thực tế, những vấn đề càng có vẻ vô lý, hoặc thậm chí kỳ lạ, thì yêu cầu về khả năng ứng biến càng cao.
Khi gặp phải những vấn đề như này, trước tiên đừng lập tức tỏ ra khó hiểu hoặc kiểu như là "các người đang hỏi cái quái gì vậy!". Thực tế, đằng sau những câu hỏi phỏng này, HR đang muốn tìm hiểu cách tư duy của bạn, tức là khả năng nhìn nhận và giải quyết vấn đề của bạn.
Qua những câu trả lời của cư dân mạng ở phía trên, có thể thấy được rằng mỗi người sẽ có một cách suy nghĩ khác nhau khi giải quyết cùng một câu hỏi. Nó cũng cho thấy khoảng cách giữa những cư dân mạng bình thường và những người có kinh nghiệm ứng tuyển những vị trí với mức lương cao cấp, tất cả đều nằm ở hai chữ "tư duy".
Trong môi trường làm việc thực tế, nếu bạn gặp những câu hỏi phỏng vấn tưởng chừng có vẻ không liên quan, trước tiên cần phải hiểu được rằng những câu hỏi này ắt hẳn phải liên quan đến công việc và vị trí đảm nhiệm. Sau đó, bằng cách phân tích tư duy của bản thân, suy nghĩ về mối liên hệ giữa vấn đề và vị trí chuyên môn… đứa ra câu trả lời khôn ngoan.
Cũng có thể thấy thêm một điều nữa là câu trả lời cho mỗi câu hỏi không phải là duy nhất. Đặc biệt là đối với những vấn đề liên quan đến kinh doanh, không thể chỉ tồn tại một hoặc hai giải pháp. Vì vậy, trong cuộc phỏng vấn, bạn phải thấu hiểu tâm tư của HR, sử dụng tư duy logic chặt chẽ và trả lời câu hỏi một cách lý trí, miễn là logic hợp lý, suy nghĩ rõ ràng, và bạn có thể giải thích cho mình, đó cũng là một cách tốt để trả lời câu hỏi.
Ngoài ra, hàng ngày, hãy chú ý nhiều hơn đến những câu hỏi tưởng chừng như vô lý và suy nghĩ thật kỹ để phân tích và giải quyết chúng. Điều này cũng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về suy nghĩ của người khác, đồng thời trau dồi khả năng tư duy logic và kỹ năng biểu đạt của mình, những điều này rất tốt cho sự nghiệp của bạn.
Nguồn : Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị