Mạng lưới xử lý nước thải đô thị dần hoàn thiện
Cập nhật: 05/11/2024
Tốc độ đô thị hóa thì ngày càng cao kéo theo nước thải sinh hoạt đô thị ngày càng lớn. Do đó, xử lý nước thải đô thị là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và lãnh đạo Vương quốc Hà Lan tham quan Nhà máy xử lý nước thải Phú Mỹ.
Tập trung xử lý nước thải cho đô thị
Sau 5 năm thi công, cuối tháng 10 vừa qua, Nhà máy thu gom, xử lý và thoát nước khu đô thị mới Phú Mỹ có tổng mức đầu tư hơn 818,4 tỷ đồng (tương đương 33,5 triệu Euro), gồm vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hà Lan và vốn đối ứng ngân sách tỉnh đi vào vận hành. Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện hạ tầng cho Phú Mỹ lên thành phố vào năm 2025.
Ông Trần Giàu, Phó Ban Quản lý dự án Chuyên ngành Dân dụng và công nghiệp tỉnh cho biết, dự án thu gom, xử lý và thoát nước khu đô thị mới Phú Mỹ” tiếp nhận toàn bộ nước thải trên địa bàn TX. Phú Mỹ với công suất xử lý 29.700m3/ngày đêm, ứng dụng công nghệ Carousel, bảo đảm nước thải đầu ra đạt cột A theo QCVN 14:2018/BTNMT.
Dự án còn có 4 trạm bơm nước thải, 12 giếng tách dòng, 64.766 m đường ống thu gom cấp I, II, III và 5.000 bộ hố ga. Qua đó đảm bảo nước thải đầu ra đạt cột A theo quy chuẩn Việt Nam, giải quyết triệt để tiêu thoát nước thải cho Phú Mỹ trong quá trình đô thị hóa.
Theo ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, dự án thu gom, xử lý và thoát nước khu đô thị mới Phú Mỹ” có ý nghĩa quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của TX. Phú Mỹ nói riêng, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung.
Trước khi nhà máy thu gom và xử lý nước thải đô thị mới Phú Mỹ đi vào hoạt động, tại Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có 2 nhà máy xử lý nước thải khác trên địa bàn TP. Vũng Tàu và huyện Côn Đảo đã làm nhiệm vụ thu gom và xử lý nước thải của 2 địa phương nói trên.
Nhà máy thu gom và xử lý nước thải khu đô thị mới Phú Mỹ chính thức vận hành từ cuối tháng 10/2024.
Nhà máy xử lý nước thải Rạch Bà (TP. Vũng Tàu) có diện tích 4,6 ha, không gian xanh, thoáng mát, toàn bộ hệ thống tiếp nhận vận hành tự động. Đây là nơi tiếp nhận và xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn toàn TP. Vũng Tàu. Theo ông Phạm Đức Quý, Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng), nhà máy được đưa vào sử dụng từ năm 2016 với công suất 22.000m3/ngày đêm. Đến nay, nhà máy đã hoạt động 93-95% công suất thiết kế. Năm 2019, Bộ TN-MT cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn thải cho phép Công ty CP Khoa học - Công nghệ Việt Nam (Busadco) xả thải vào nguồn nước từ nhà máy xử lý nước thải Rạch Bà đạt cột B QCVN 14:2008/BTNMT ra sông Dinh. “Sắp tới, nhà máy sẽ nâng cấp lên nước thải sau khi xử lý đạt cột A mới thải ra môi trường”, ông Quý thông tin thêm.
Tại huyện Côn Đảo, nhiều năm qua, nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn huyện Côn Đảo đều đổ trực tiếp ra môi trường thì từ đầu năm 2022, dự án “Thu gom và xử lý nước thải khu trung tâm huyện Côn Đảo” đi vào hoạt động đã thu gom và xử lý nước thải, góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường cho huyện đảo.
Theo UBND huyện Côn Đảo dự án “Thu gom và xử lý nước thải khu trung tâm huyện Côn Đảo” có tổng diện tích lưu vực được thu gom 899ha, diện tích trạm xử lý nước thải khoảng 1,5ha, công suất trạm 3.500m³/ngày đêm, trong đó giai đoạn 1 của dự án có công suất 1.000m3/ngày đêm.
Góp phần bảo vệ môi trường
Ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, nước thải sinh hoạt chiếm 50 - 60% lượng nước thải đô thị. Đây là nguồn thải xuất phát từ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của dân cư, trường học, trung tâm thương mại. Nguồn nước thải này thường chứa nhiều tạp chất khác nhau. “Vì vậy, đã đến lúc, việc quản lý và xử lý nước thải cần được quan tâm hơn ở mọi khâu quy hoạch, chính sách, công nghệ, quản lý và vận hành”, ông Mai Trung Hưng nói.
Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh sẽ có 8 dự án thu gom, xử lý nước thải đô thị với công suất khoảng 120.550m3/ngày. Các dự án này được triển khai bằng nguồn vốn ODA và nguồn vốn ngân sách của tỉnh với tổng mức đầu tư khoảng 5.645,87 tỷ đồng.
Ngoài 3 dự án đã đi vào hoạt động, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 2 dự án thu gom và xử lý nước thải. Cụ thể dự án thu gom và xử lý nước thải TP. Bà Rịa đang được xây dựng với mức đầu tư 720,563 tỷ đồng. Nguôn vốn chủ yếu là ODA (nguồn vốn tín dụng hỗn hợp Thụy Sỹ II bao gồm vốn viện trợ không hoàn lại 60% và vốn vay thương mại chiếm 40%). Dự án có công suất xử lý là 12.000 m3/ngày đêm.
Nhà máy thu gom và xử lý nước thải Côn Đảo góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do nước thải cho huyện Côn Đảo
Tỉnh cũng đang đầu tư dự án hệ thống thu gom và xử lý nước thải thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ với tổng mức đầu tư hơn 203 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Tổng công suất 4.500 m3/ngày đêm, giai đoạn 1 công suất 2.300 m3/ngày đêm. Dự kiến đến năm 2028 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.
Bài, ảnh: QUANG VŨ
Nguồn : baobariavungtau.com.vn